Bước ra khỏi “vùng an toàn”
“Có tí tuổi” rồi nhưng chưa một lần đi nước ngoài, mình tự thấy hạn chế của mình chính là mình không dám thoát ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân, và một điều nữa là mình cũng muốn cho bố mẹ và con đi cùng chứ không muốn đi một mình, nên lưỡng lự mãi không dám quyết. Rồi sau thời gian nghỉ ngơi công việc daytime, mình đọc sách, mình muốn được đi để mở mang tầm mắt, mình muốn đưa bố mẹ ra nước ngoài dù chỉ một lần, vậy là mình quyết định tìm hiểu việc đi du lịch ở Đông Nam Á trước (vì mình cũng không có điều kiện tài chính dư dả trong khi lại muốn đi nhiều người).
Nhưng sẽ đi đâu?
Ban đầu, điểm đến mình chọn là Lào vì ở đó có họ hàng, sẽ không phải lo lạ nước lạ cái. Nhưng mình nghiên cứu thấy địa điểm của Lào dù có cái hay nhưng cũng na ná Việt Nam. Mình lại thử sang nước Campuchia vì ở đó có đền Angkor Wat nổi tiếng. Nhưng rồi nghiên cứu bản đồ, hành trình tham khảo của các tour, hỏi một chị mới đi Campuchia về, mình thấy phải di chuyển bằng oto nhiều quá, đường xa, trong khi mình có người già, phụ nữ và trẻ em. Đi Campuchia có lẽ hợp với đi vợ chồng có sức khỏe để khám phá thôi (bà nội nhà mình vừa đi Campuchia về thì ốm một trận nằm bẹp :|). Sang Singapore hay Malaysia thì chi phí cao hơn Thái Lan khá nhiều. Vậy là mình chuyển sang Thái Lan. Đây là điểm đến du lịch khá phổ biến gần đây. Mình xem các tour thì thấy điểm thường đến là Bangkok và Pattaya. Vì các bạn nhà mình thích biển, hơn nữa mình xem thông tin sơ sơ ở Bangkok thấy có nhiều điểm vui chơi Hà Nội cũng có, mà mất một lần đi thì đi cả 2 nơi luôn vì mình nhìn khoảng cách giữa hai nơi không quá xa (khoảng 130 km) nên mình quyết định sẽ đi cả Bangkok và Pattaya.
Đi tour hay tự túc?
Đầu tiên mình xem tour, nhưng mình nhìn hành trình của họ có những điểm đến mà mình không thích (ví dụ như trung tâm chế tác đá quý gì đó, vốn dĩ mình không thích mấy cái này, lại thêm bà nội đã từng đi và bảo mất thời gian ở đó) nên mình băn khoăn có nên đi tour hay không. Chưa kể có một số điểm mình thấy cũng không phù hợp với du lịch có trẻ em như nhà mình (ví dụ như show pede, mà mình cũng chả thích cái này). Rồi trong quá trình chọn điểm tham quan thì mình để ý thấy những điểm mà tour cho khách vào thường là điểm có phí tham quan rẻ hoặc miễn phí, nhiều tour có giá cao là do ở khách sạn nhiều sao chứ không hẳn do điểm tham quan có vé vào cổng cao. Và việc di chuyển ở Bangkok có một cái mà Việt Nam chưa có nên mình cũng muốn trải nghiệm, đó là đi phương tiện công cộng tàu điện ngầm (MRT) và skytrain (BTS). Vậy là mình chọn đi tự túc. Chưa chắc chi phí đã rẻ hơn đi tour đâu, nhưng mình được chủ động thời gian (có người già và trẻ em, mệt quá thì nghỉ ngơi, không phải lo chạy theo tour vì đã đóng tiền rồi không đi lại tiếc), và được chọn điểm đến thăm quan theo ý mình, tính ra cũng coi như “rẻ” theo cách khác 😊.
Chuẩn bị từ đâu?
Mình có hơn 1 tháng (khoảng 5 tuần) để chuẩn bị, hơi gấp nhưng vì mình đang free daytime nên mình có thời gian tìm hiểu và chuẩn bị hơn. Và đây là những việc mình cần chuẩn bị cho chuyến đi:
Làm hộ chiếu:
Hộ chiếu cho mình và bà ngoại thì đã làm từ năm ngoái rồi (do lúc đầu nghĩ muốn đi sang Lào) và làm cho người lớn nhanh gọn hơn nên mình làm trước. Đến vừa rồi chốt đi Thái thì mình mới đi làm hộ chiếu cho 2 bạn nhỏ nhà mình. Hướng dẫn làm hộ chiếu cho cả người lớn và trẻ dưới 14 tuổi đều có hết ở trang hochieu.cahn.vn (đối với người sống ở Hà Nội). Thời gian xong hộ chiếu là khoảng 2 tuần nên nếu xác định thời gian đi rồi thì bạn phải mau chóng làm hộ chiếu cho kịp, còn nếu không kịp thì phải lùi thời gian khởi hành.
Lên sơ bộ lịch trình:
Mình chỉ tính
Đặt vé máy bay:
* Bay hãng nào? Việt Nam hay nước ngoài?
+ So sánh trên phương diện cần hỗ trợ trên chuyến bay (vì mình có người già và trẻ em) thì mình bay hãng nội địa họ nói tiếng Việt, cũng sẽ dễ hơn (vì chưa chắc mình có thể nghe được tiếng Anh do người Thái nói, không biết có phải mình nghĩ quá không chứ khi bay nội địa mình cũng không nghe hết được tiếng Anh mà người Việt mình nói nên mới không sure mình có thể nghe được tiếng Anh mà người Thái nói không). Thêm nữa mình và bà ngoại không ngồi cạnh nhau (do mình không chọn chỗ khi đặt vé) nên khi tiếp viên nói tiếng Việt thì bà ngoại nhà mình cũng có thể hiểu mà không phải qua mình dịch
+ So sánh trên phương diện giá thì các hãng nội địa Việt Nam cũng rẻ hơn một chút.
+ Và cuối cùng là các hãng nội địa Việt Nam thì hạ cánh ở sân bay mới của Thái (Suvarnabhumi), từ đó đi bus đến Pattaya tiện hơn và gần hơn là đi từ sân bay cũ Don Muang – nơi các hãng Nok Air, Airasia, Thai Lion Air hạ cánh (mặc dù cũng có bus trung chuyển miễn phí nhưng như vậy lại mất thêm thời gian). Ngoài ra, từ trung tâm Bangkok có tuyến Airport Rail Link đi thẳng ra sân bay này nên cũng nhanh và tiện hơn đi taxi trong bối cảnh hay tắc đường của Bangkok.
* Đặt trực tiếp với hãng hàng không hay qua đại lý?
Điểm cộng của trang [at url=”atadi.vn”]atadi[/at]:
+ chức năng săn vé rẻ khá hay
+ phí thanh toán của atadi (33k/vé) rẻ hơn so với phí thanh toán qua trang web của hãng hàng không bằng thẻ nội địa hay quốc tế hay thanh toán tại phòng vé (55k/vé)
+ phương thức thanh toán cũng đa dạng và thuận tiện hơn.
Điểm hạn chế ở trang này:
+ nếu săn vé rẻ trong nước thì ổn hơn là vé đi nước ngoài vì các hãng bay mà công cụ này search ra thì chỉ thấy có hãng nội địa của Việt Nam thôi, không thấy các hãng nước ngoài (vd Nok Air, AirAsia,…) Nhưng sau khi mình mò vào trang chủ của các hãng hàng không này thì thấy giá cũng không chênh lệch mấy, có khi đắt hơn xíu nên vẫn đặt qua trang này.
+ nếu muốn quản lý mã đặt chỗ trên mạng của hãng hàng không thì không làm được (chỉ đặt trực tiếp qua hãng thì mới vào được). Hạn chế này là chung cho việc đặt qua đại lý, chứ không chỉ với trang atadi này. Khách hàng chỉ có thể kiểm tra tình trạng chuyến bay thôi, còn muốn thay đổi gì thì phải qua đại lý.
Lên lịch trình chi tiết:
Sau khi có lịch trình chi tiết thì mình dựa vào đó lên lịch trình cơ bản (những nơi đến chính, thời gian) bằng tiếng Anh để sử dụng khi nhập cảnh (cuối cùng cũng chẳng phải dùng đến nó, nhưng cứ chuẩn bị cho yên tâm).
Đặt khách sạn:
– Không ở khu vực quá đông đúc, ồn ào vì những nơi đó có thể có bar, pub suốt đêm, không phù hợp với người già và trẻ em. Theo đó, ở Pattaya thì mình chọn khu vực biển Jomtien (khá yên tĩnh, phù hợp với du lịch gia đình), còn Bangkok thì mình tránh khu vực Sukhumvit và Silom (vì theo thông tin mình đọc được thì đó là khu vực nhạy cảm, có phố đèn đỏ hoặc bar, pub và gái bán hoa).
– Ở gần các trạm phương tiện công cộng (vì mình muốn thử phương tiện công cộng MRT và BTS ở Bangkok) nên chọn gần để hạn chế việc phải đi bộ xa ra trạm phương tiện công cộng hoặc phải sử dụng phương tiện di chuyển khác để đến địa điểm tham quan (giúp hạn chế chi phí đi lại). Để chọn được khách sạn thì mình sử dụng phần bản đồ ở các trang chọn phòng để nhìn vị trí của khách sạn đó trên bản đồ có gần các trạm BTS hay MRT không, và đọc review của các khách đã ở trước đó để biết có ở khu vực ồn ào không, có thuận tiện đi lại không.
– Khách sạn có cho trẻ em ở (vì một số khách sạn chỉ cho trẻ trên một số độ tuổi nhất định ở, vd trên 12 hoặc trên 18 tuổi ở) và chính sách trẻ em là free đối với độ tuổi của bé nhà mình (free if use existing bedding). Cái này thì mình phải đọc ở phần hotel policies của từng khách sạn để biết, nếu thấy có hạn chế độ tuổi hoặc độ tuổi của bé bị tính như người lớn thì mình next luôn.
– Khách sạn có phòng có 2 giường đơn (2 single beds) vì bé nhà mình cũng lớn hơn rồi nên nằm ở 2 giường đơn cùng 2 người lớn sẽ thoải mái hơn là nằm chung 1 double bed.
– Giá mềm (đương nhiên rồi). Vì mình có lịch trình tham quan tương đối nên mình chọn khách sạn có giá vừa phải để không lãng phí. Budget ở cho 4 đêm ở Thái của mình là 2000k (trung bình 1 đêm là 500k) cho phòng có 2 giường đơn (nhưng là 4 người ở). Nếu đi lẻ thì bạn có thể ở phòng dorm và sử dụng shared bathroom với chi phí rẻ hơn, nhưng mình đi gia đình và có trẻ em nên mình muốn sử dụng phòng tắm riêng theo phòng để không ảnh hưởng đến người khác và an toàn cho bé.
– Review ổn, từ 7 điểm trở lên. Nhìn chung, review thì cũng tùy từng khách, chỉ cần chú ý đến các thứ trong tiêu chí đã đặt ra mà được đánh giá tốt là được.
– Khách sạn có bể bơi (vì bé nhà mình thích bể bơi, hơn nữa thời điểm mình đi theo lý thuyết là không phải mùa cao điểm du lịch của Thái nên giá khách sạn cũng có giảm hơn nên với budget như vậy vẫn may mắn tìm được khách sạn có bể bơi)Chốt lại: ở Pattaya mình chọn được BB House Pattaya với giá 354k/ đêm. Khách sạn ở biển Jomtien, qua đường là sang đến biển, quán ăn đường phố không xa quá, có bể bơi, cảnh quan xung quanh khách sạn khá đẹp, review tốt mà giá rẻ hơn budget dự kiến của mình. Một điểm hạn chế của khách sạn này là phòng mình book (standard) hơi tối và cảm giác hơi ẩm, nhưng do đi cả ngày nên mình cũng chấp nhận đc.
Tips khi chọn khách sạn:
+ Mình dùng trang [at url=”https://www.agoda.com”]agoda[/at] vì mình thấy chính sách trẻ em ở các khách sạn của agoda thoải mái hơn chút (ghi free if use existing bedding và không thấy nói giới hạn số trẻ em trong phòng), trong khi booking.com thì mình thấy ghi là 1 trẻ dưới bao nhiêu tuổi đó được miễn phí, từ trẻ thứ 2 thì có tính phụ phí).
+ mình chọn khách sạn dựa trên bản đồ khách sạn, rồi lưu vào “favourite” để sau xem lại và so sánh, đỡ phải lần mò nhiều lần
+ nhớ chọn khách sạn có “hủy miễn phí” để có thể hủy nếu chọn được khách sạn khác ưng hơn bởi càng tìm kiếm, bạn càng có kinh nghiệm chọn khách sạn thì lúc đó hủy những khách sạn trước cũng không mất phí gì. Mình đã hủy đến 6 khách sạn ở cả 2 nơi (Pattaya và Bangkok) vì lúc đầu chọn địa điểm chưa chuẩn lắm. Nhưng nhớ lưu ý thời hạn hủy miễn phí để không bị trừ tiền đêm đầu tiên. Và khi chọn được khách sạn ưng rồi thì nhớ hủy khách sạn trước đó để tránh bị quên.
+ khi đặt phòng qua agoda app thì để ý phần “promotion” khi đặt vì có thể có một số khách sạn được áp dụng mã giảm giá (như khách sạn mình đặt ở Bangkok thì được giảm 10% khi đặt qua app nên cũng bớt được chút ít), khi đó bạn vào promotion và ấn “áp dụng/ apply” là được
Mua bảo hiểm du lịch:
Chọn và đặt vé các địa điểm tham quan:
+ mình dùng Google để search những địa điểm tham quan nổi tiếng ở nơi sẽ đến. Ứng dụng Google trips cũng có list những địa điểm tham quan nổi tiếng, nhưng chia theo nhóm outdoor activities, kids friendly,… nên mình cũng dễ chọn nhanh hơn mà không cần phải mò vào kỹ để xem có phù hợp với trẻ em nhà mình không.
+ dùng Tripadvisors để xem review về các địa điểm đến mà mình đã chọn ở trên, cũng như ảnh thực do khách du lịch chụp để có cái nhìn chân thật hơn về nơi đó.
+ dùng Youtube để xem các clip ở nơi định đến để cảm nhận rõ hơn và có những quan sát khác (cần mang theo ô, nước vì trời sẽ rất nắng, rồi việc đi tham quan sẽ có thể diễn ra như thế này…). Việc này giúp mình cảm thấy không bị lạ lẫm, như vậy khi đi sẽ tự tin hơn.
+ dùng Google maps để xem vị trí của địa điểm tham quan trên bản đồ, có quá xa nơi ở không, có phải đi lại lằng nhằng quá không, để ước chừng khả năng sức khỏe có thể đi được hay không, cũng như ước chừng lịch trình tiếp theo có cần rút bớt đi hoặc không đi nữa để đảm bảo sức khỏe của người già và trẻ em, và còn cả ước tính chi phí đi lại nữa.
Mình cũng đặt sim điện thoại Thái qua Divui luôn và thấy rất tiện. Đến nơi chờ ở sân bay có người lắp sim và kích hoạt cho, không phải chờ đợi mua sim vì mình thấy khá nhiều người xếp hàng, mà giá rẻ hơn giá niêm yết trên bao bì (299 baht trong khi mình mua online trước tính ra khoảng 236 baht), và nếu có vấn đề gì thì bên Divui cũng hỗ trợ khá ok.
Phương tiện đi lại:
Nếu đi tour thì bạn không phải lo phương tiện đi lại rồi. Nhưng mình đi tự túc nên những đoạn di chuyển như từ điểm đỗ xe bus về khách sạn thì đi như thế nào, hoặc từ trạm BTS về khách sạn có xa không, đi như thế nào, cách đi MRT/BTS như thế nào…mình đều phải xem và tính hết chứ không ngẫu hứng được (vì ảnh hưởng đến tài chính cũng như thời gian chờ đợi).
Youtube là kênh giúp mình biết sử dụng MRT/ BTS như thế nào. Rome2rio.com hoặc taxifarefinder.com là trang giúp mình ước tính khoảng cách và chi phí để di chuyển bằng taxi từ khách sạn đến một số điểm tham quan (chủ yếu là tham khảo để biết khoảng giá bao nhiêu thôi để có dự trù, còn thực tế thì chi phí đi lại của mình, nhất là taxi, bị cao hơn dự trù khoảng một nửa)
Kiểm tra việc tiêm phòng vaccine:
Cũng không quá nghiêm trọng nếu mình không đi đến những nơi quá xa lạ, nhưng vì có trẻ em đi cùng nên mình cũng cẩn thận kiểm tra lại có cần tiêm phòng gì khi đến nước đó không và nếu có thì các bé đã tiêm chưa để đảm bảo an toàn cho con.
Check danh sách cần chuẩn bị khi đi du lịch nước ngoài:
Các thông tin cần chuẩn bị cho người đi cùng (người già, trẻ em)
Ngoài ra các giấy tờ của mình và của bà ngoại, của con mình đều photo thành 4 bản (1 bản để ở nhà cho chồng biết và sử dụng nếu cần, 1 bản cho bà ngoại đề phòng trường hợp mình bị mất giấy tờ thì bà có bản photo, 1 bản mình để trong vali, 1 bản cầm theo người để đề phòng khi bị mất giấy tờ thì cũng có bản photo)
Các thông tin gửi lại người nhà trước khi đi:
– Thông tin về hợp đồng bảo hiểm, cách giải quyết các quyền lợi bảo hiểm
– Các giấy tờ photo (hộ chiếu, chứng minh thư, bảo hiểm)
Vài ngày trước khi lên đường:
– Email cho khách sạn để check lại đặt phòng đã được xác nhận chưa. Mình email cho khách sạn ở Bangkok thì lúc đầu họ trả lời là không tìm thấy đặt phòng dưới tên của mình (lúc đấy mình lại chỉ gửi mỗi tên và ngày check in check out). Mình gửi cho họ mã đặt phòng thì ngay sau đó họ xác nhận có đặt phòng. Ngoài ra, khi đọc review mình có thấy nói đến free pick-up service của khách sạn này (vì gần BTS) nên mình cũng hỏi lại họ để confirm. Cơ bản với cách chăm sóc khách hàng ban đầu như vậy mình thấy hài lòng với khách sạn. Và khi đến thì thấy nhân viên thân thiện, dịch vụ tốt, rất ưng khách sạn này luôn.